VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN LỊCH SỬ TRONG VIỆC NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA HỌC SINH VỀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
03/03/2023 08:46
Chủ nghĩa xã hội là một học thuyết về kinh tế, chính trị, xã hội do Karl Marx sáng tạo và Lê-nin phát triển. Đó là con đường loại bỏ tình trạng người bóc lột người, xây dựng một tổ chức xã hội mới tiến bộ không còn những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản, là mơ ước của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới.
VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN LỊCH SỬ TRONG VIỆC NÂNG CAO NHẬN THỨC CỦA HỌC SINH VỀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI  Ở VIỆT NAM

Chủ nghĩa xã hội là một học thuyết về kinh tế, chính trị, xã hội do Karl Marx sáng tạo và Lê-nin phát triển. Đó là con đường loại bỏ tình trạng người bóc lột người, xây dựng một tổ chức xã hội mới tiến bộ không còn những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản, là mơ ước của giai cấp công nhân, nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Năm 1917 cuộc cách mạng  tháng Mười Nga thành công- đánh dấu sự ra đời của Liên bang Xô viết năm 1922- là cuộc cách mạng vĩ đại, hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội khoa học, đã mở đầu thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Trong bảy mươi tư năm tồn tại (1917 - 1991), hệ thốngs xã hội chủ nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và có đóng góp đặc biệt quan trọng vào tiến trình phát triển văn minh nhân loại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số sai lầm nghiêm trọng trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đã đẩy các nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng buộc các Đảng Cộng sản, nhất là các Đảng Cộng sản cầm quyền phải rút ra bài học sâu sắc và tự điều chỉnh cho phù hợp với xu thế phát triển khách quan của lịch sử.

Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ  năm 1991, sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội không còn là hệ thống thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút nhiều người quan tâm, bàn luận, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị nhân cơ hội xuyên tạc, tuyên truyền chống phá chủ nghĩa xã hội, ca ngợi chủ nghĩa tư bản. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, hoài nghi tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Liệu con đường đi lên chủ nghĩa xã hội do Đảng và nhân dân ta lựa chọn có phù hợp, đúng đắn trong tình hình thế giới mới khi mà chủ nghĩa tư bản đang phát triển mạnh mẽ như vũ bão về kinh tế và công nghệ? Liệu chủ nghĩa tư bản hiện nay có thực sự là một xã hội lý tưởng, ưu việt và tốt đẹp?

Đối với người trưởng thành, thậm chí có bằng cấp, học vấn để trả lời thấu đáo, cặn kẽ những câu hỏi trên đã khó. Trong khi đó, đối tượng của chúng ta là học sinh phổ thông- lứa tuổi chưa trưởng thành, chưa đủ độ chín về nhận thức, để trả lời được các câu hỏi trên thực sự rất khó khăn. Thế nhưng, nếu để các em nhận thức mơ hồ, không hiểu bản chất của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, nghe theo các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, hoài nghi hoặc phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam hiện nay thì thật nguy hại. Với vai trò là một giáo viên lịch sử, chúng ta phải có trách nhiệm làm rõ vấn đề này cho học sinh của mình- đặc biệt là học sinh THPT.

Thứ nhất, giáo viên cần khẳng định cho học sinh biết rằng: Con đường đi lên xã hội chủ nghĩa của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn là đúng dắn. Việc lựa chọn con đường này không phải ngẫu nhiên, ăn may mà đã trải qua cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp quyết liệt, trải qua sự sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử. Cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, Việt Nam đứng trước sự khủng hoảng về đường lối cứu nước. Con đường cứu nước theo ý thức hệ phong kiến, trung quân, ái quốc đã trở nên lỗi thời, không phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Sự thất bại của cuộc Khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo trong phong trào Cần Vương là dấu chấm hết cho xu hướng cứu nước đó.

Đầu thế kỉ XX, ở Việt Nam diễn ra hai khuynh hướng cứu nước mới: một là cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản, đại diện tiêu biểu có Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và hoạt động của giai cấp tư sản, tiểu tư sản. Hai là khuynh hướng vô sản gắn liền với hoạt động tích cực của Nguyễn Ái Quốc và giai cấp công nhân Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Việt Nam Quốc dân đảng lãnh đạo thất bại đã chấm dứt vai trò lịch sử của một chính đảng cách mạng của tư sản dân tộc Việt Nam. Ngược lại, khuynh hướng cứu nước theo con đường cách mạng tháng Mười Nga- cách mạng xã hội chủ nghĩa do Nguyễn Ái Quốc lựa chọn và truyền bá lí luận về nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân tham gia. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kì khủng hoảng về đường lối cách mạng của dân tộc. Cách mạng Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất, một mục tiêu duy nhất là đưa cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa. Thực tế lịch sử dân tộc cho thấy, kể từ khi Đảng ra đời cho đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác tiêu biểu như giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay.  

 Thứ hai, giáo viên cần cho học sinh hiểu rằng: Chủ nghĩa tư bản hiện nay đang mang tính toàn cầu, đạt nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển, trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao và do kết quả đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đã có những biện pháp điều chỉnh, hình thành được không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước. Tuy nhiên nội tại chủ nghĩa tư bản chứa đựng nhiều vấn đề, nhiều mâu thuẫn cơ bản không giải quyết được. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam" thiết chế dân chủ theo công thức “dân chủ tự do” không hề bảo đảm để quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”, “tự do”, “dân chủ” dù có thể thay đổi chính phủ nhưng không thể thay đổi được các thế lực thống trị; “đằng sau hệ thống đa đảng trên thực tế vẫn là sự chuyên chế của các tập đoàn tư bản”. Chủ nghĩa tư bản dù vẫn còn tiềm năng phát triển nhưng vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó. Những mâu thuẫn đó thể hiện qua các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, năng lượng… Kinh tế suy thoái đã phơi bày những bất công trong xã hội tư bản chủ nghĩa: đời sống của đa số dân cư lao động bị giảm sút nghiêm trọng, thất nghiệp gia tăng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, sắc tộc. Những khó khăn này không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là hậu quả của một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lấy lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất là thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội. Đó cũng chính là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng tư bản chủ nghĩa. Bởi thế, giáo viên cần khẳng định lại cho học sinh hiểu: chủ nghĩa tư bản không thể giải quyết được tất cả những vấn đề to lớn đã và đang đặt ra cho xã hội loài người trong quá khứ cũng như hiện tại.

Thứ ba, giáo viên khẳng định cho học sinh hiểu rằng: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là xã hội “vì con người chứ không vì lợi nhuận mà bóc lột, chà đạp lên phẩm giá con người, phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội chứ không phải làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội” (TBT Nguyễn Phú Trọng). Từ năm 1945 đến nay Đảng và nhà nước ta luôn đặt mục tiêu xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân lên hàng đầu, phấn đấu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng: phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế, thể hiện  tính ưu việt của mô hình xã hội chủ nghĩa, mô hình xã hội tương lai mà không chỉ nước ta mà còn là cả những người tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đang hướng tới. Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do cho nhân dân.

Thứ tư, giáo viên cần phân tích cho học sinh hiểu chủ nghĩa tư bản không phải là hình thái kinh tế - xã hội cuối cùng trong lịch sử loài người bởi tự thân nó còn nhiều hạn chế không khắc phục được. Chủ nghĩa xã hội với những tính năng ưu việt của nó tất yếu sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản trong tương lai. Với tầm nhìn chiến lược của vị lãnh tụ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có kết luận hết sức quan trọng: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân toàn thế giới”

Tuy nhiên, quá trình này không thể diễn ra trong ngày một ngày hai mà rất lâu dài, nhiều khó khăn và thử thách. Xét trên phương diện khách quan, đây là vấn đề tất yếu của lịch sử vì để một hình thái kinh tế - xã hội mới thay thế hình thái kinh tế - xã hội cũ cần có thời gian, phải trải qua quá trình đấu tranh cực kì gay gắt, căng thẳng giữa cái mới tiến bộ, cách mạng với cái cũ trì trệ, lạc hậu, cản trở sự phát triển của xã hội. Thực tế lịch sử đã chứng minh: Chủ nghĩa tư bản thay thế chế độ phong kiến, trở thành hệ thống thế giới mất gần 400 năm. Chủ nghĩa xã hội hiện thực từ khi xuất hiện đến nay mới hơn 100 năm là khoảng thời gian quá ngắn để có thể thay đổi hình thái kinh tế- xã hội cũ. Trong khoảng thời gian đó, các nước xã hội chủ nghĩa vừa xây dựng, vừa tìm tòi, học hỏi và thể nghiệm chế độ mới bởi xã hội xã hội chủ nghĩa trước đó chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô, các nước Đông Âu sau mấy thập kỉ xây dựng đã đạt nhiều thành tựu. Từ năm 1950 đến nửa đầu những năm 70 của thế kỉ XX, Liên Xô là cường quốc công nghiệp thứ hai thế giới, đi đầu trong công nghiệp vũ trụ, công nghiệp hạt nhân, sản lượng dầu mỏ, than, thép… đứng tốp đầu thế giới. Đời sống người dân được cải thiện rõ rệ, trình độ dân trí nâng cao. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng như thực hiện đường lối lãnh đạo chủ quan, duy ý chí, cơ chế quan liêu bao cấp kéo dài… đã làm xói mòn, tan rã chế độ xã hội chủ nghĩa ở châu Âu. Trung Quốc, Việt Nam đã từng bước tự điều chỉnh con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của mình thông qua chính sách cải cách - mở cửa, đổi mới và bước đầu đã đạt nhiều thành tựu. Trung Quốc từ một nước lạc hậu nghèo nàn, lạc hậu đã trở thành nền kinh tế phát triển năng động, đứng thứ hai thế giới, mức sống người dân nâng cao. Việt Nam từ năm 1986 đến nay chính trị rất ổn định, kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bộ mặt đô thị, nông thôn thay đổi, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt. Thành công của Việt Nam, Trung Quốc hiện nay- hai đất nước có cùng mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở châu Á-  là một ví dụ điển hình cho việc khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là đúng đắn, tất yếu sẽ đi đến thành công.

            Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nền kinh tế nhỏ bé, lạc hậu vẫn còn tồn tại tàn dư của chế độ phong kiến. Do vậy, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ, lâu dài và phức tạp. Đây là một quá trình tất yếu phải trải qua để có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Giáo viên cần cho các em học sinh hiểu rằng: Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta đạt được thành công bước đầu như hiện nay là nhờ các thế hệ cha anh đi trước có niềm tin son sắt vào sự lựa chọn của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Họ sống, chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp đó, phải đổi bằng xương máu mới giành được độc lập cho dân tộc, đem lại hòa bình, ổn định cho đất nước. Hiện nay, các em là một trong những nhân tố quan trọng đưa đến thành công của mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Là học sinh phổ thông, các em cần thấy được trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, nhân dân. Cần học tập tốt, rèn luyện tốt, sống có niềm tin, lý tưởng, thực sự bản lĩnh để xây dựng đất nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, sánh vai với các cường quốc năm châu, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

                                                                                                                                      Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Nga

                                                                                                                         Ths. Lịch sử- Giáo viên Trường THPT Hồng Lĩnh

LIÊN KẾT WEBSITE

Sơ đồ đường đi
Thống kê truy cập
Người đang truy cập: 868
Tổng số truy cập: 2464696